BỆNH MỀ ĐAY (HAY MÀY ĐAY) LÀ GÌ?
Bệnh mề đay là bệnh ngoài da phổ biến ở trẻ em và người lớn, có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, có thể do dị ứng với sự biến đổi thời tiết, dị ứng thuốc…
Triệu chứng của mề đay là những mảng phù màu hồng hoặc đỏ nổi cao trên da, kích thước và số lượng thay đổi khác nhau.
Mề đay cấp tính:
Mề đay cấp tính thường xảy ra trong vòng vài phút hoặc vài giờ rồi lặn hoặc cũng có thể từng đợt kế tiếp nhau. Trong cơn mề đay cấp có thể kèm theo sốt cao, nôn mửa, đau quặn bụng, khó thở (còn gọi là phù quincke).
Mề đay mãn tính:
Mề đay mãn tính là tình trạng nổi mề đay trên 6 tuần, có thể gặp các dạng khác nhau:
Mề đay thành vệt dài, thành vòng – mề đay xuất huyết.
Mề đay sần ở trẻ em – mề đay mụn nước, phỏng nước.
Mề đay khổng lồ: phù nổi đột ngột làm sung phù mặt, mi mắt, môi hoặc bộ phận sinh dục, thường sau vài giờ thì lặn, không ngứa chỉ gây cảm giác căng tức khó chịu.
Mề đay choline: xuất hiện khi đi ra nắng, vận động thể lực, xúc cảm hay gặp ở người trẻ tuổi.
Nguyên nhân gây mề đay
• Thực phẩm, thức uống, gia vị : gà, bò, hải sản, đồ lên men…
• Các chất phụ gia: giấm, hóa chất, thuốc nhuộm…
• Thuốc men: penicillin, aspirin, sulfamide, thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc trị đau xương khớp, thuốc ngừa thai và nhiều loại khác.
• Các loại bụi nhà, bụi phấn hoa, bụi lông thú và các loại ký sinh trùng.
• Các yếu tố xúc cảm: thay đổi môi trường, áp lực cọ xát quần áo…
Bệnh mề đay Có cần xét nghiệm không?
Thông thường đối với mề đay người ta ít đặt vấn đề xét nghiệm, nhưng một số xét nghiệm có thể làm:
– Tìm dị ứng nguyên
– Ký sinh trùng: tâm lý người bệnh khi bị mề đay thường nghĩ do giun sán, có nhiều trường hợp xét nghiệm có bị nhiễm giun, điều trị hết giun thì hết mề đay vì nguyên nhân của người bệnh này đúng là do giun sán, tuy nhiên cũng có rất nhiều bệnh nhân điều trị hết giun rồi mà mề đay vẫn không hết bởi vì còn rất nhiều nguyên nhân khác ngoài ký sinh trùng.
Mề đay điều trị thế nào?
– Việc đầu tiên là xác định nguyên nhân (nếu có).
Khi xác định được nguyên nhân thì nên loại bỏ nó nếu được.
– Khi bệnh nhận khò khè, khó thở thì phải xử lý cấp cứu vì tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
– Khi bị nổi mề đay thường cần dùng thuốc kháng histamin, thời gian uống thường kéo dài và phải kiên trì.
Phòng bệnh mề đay
Khi thời tiết bắt đầu trở lạnh cần mặc ấm ngay khi ở trong nhà, tránh những nơi gió lùa, tiếp xúc với nước lạnh.
Kiêng ăn các thức ăn bị dị ứng, chất cay, nóng, các hải sản và không uống rượu
Tránh tiếp xúc với các dị nguyên gây dị ứng: phấn hoa, lông chó, mèo…