Có phải con tôi đang bị bệnh chàm?

Một vài tháng sau sinh, trên da con bạn bổng xuất hiện mảng da đỏ, khô, tróc vẩy?

Có phải cháu đang bị bệnh chàm không? Hãy cùng Bs Dung tìm hiểu về căn bệnh thường gặp này nhé.

  1. BỆNH CHÀM SỮA LÀ GÌ?

Chàm sữa hay lác sữa là tình trạng viêm da dị ứng rất hay gặp ở trẻ nhỏ giai đoạn bú sữa, thường từ vài tháng đến vài tuổi. Bệnh hay tái phát. Bệnh có thể khỏi khi trẻ đến tuổi đi học, một số trường hợp bệnh tiến triển thành chàm thể tạng về sau.

2. Bệnh chàm sữa ở trẻ nhỏ biểu hiện như thế nào?

Bệnh chàm không giống nhau ở mọi em bé. Thường biểu hiện ban đầu là những mảng đỏ xuất hiện trên mặt, thường gặp là ở 2 bên má. Các mảng này thường khô, gờ lên và ngứa.

Khi bệnh lan rộng hơn có thể lan ra khắp mặt, cổ và tay chân.

Một bệnh lý cũng hay gặp và có thể nhầm lẫn với bệnh chàm sữa là bệnh viêm da tiết bã. Viêm da tiết bã thường ít ngứa hơn, cũng biểu hiện bằng những mảng đỏ da và tróc vẩy ở vùng da đầu, mũi, cung mày, sau tai.

3.Nguyên nhân của bệnh chàm sữa là gì?

  • Yếu tố gia đình. Nếu cha hoặc mẹ bị bệnh chàm, con của bạn cũng có nhiều khả năng mắc bệnh này hơn.
  • Tổn thương hàng rào bảo vệ da, khiến cho da mất đi độ ẩm và các tác nhân gây bệnh dễ dàng xâm nhập

Khi hàng rào của da suy giảm các tế bào ưa lipid (Ceramides) khiến cho da mất nước, trở nên khô, lúc này đứa trẻ sẽ bị chàm sữa.

4.Bệnh chàm ở bé có tự khỏi không?

Bệnh thường có thể khỏi. Phần lớn bệnh sẽ hết trước 6 tuổi.

Ở một số trẻ, bệnh có thể tiến triển thành viêm da cơ địa khi trẻ lớn lên, trong đó có những khoảng thời gian bệnh không còn triệu chứng.

5.Các yếu tố làm nặng thêm bệnh

+ Da khô. 

Da khô có thể làm cho da em bé ngứa hơn. Độ ẩm thấp, đặc biệt là vào mùa đông

+ Chất kích ứng.  quần áo len, polyester, nước hoa, xà phòng tắm và chất tẩy rửa. Chúng có thể gây ra tình trạng kích ứng da và làm bệnh trầm trọng thêm.

+ Stress: tình trạng stress có thể làm bùng phát bệnh. .

+ Nóng và mồ hôi.  Cả hai đều có thể làm cho tình trạng ngứa của bệnh chàm ở trẻ sơ sinh trở nên tồi tệ hơn.

+ Chất gây dị ứng. Một số chuyên gia tin rằng loại bỏ sữa bò, đậu phộng, trứng hoặc một số loại trái cây khỏi thức ăn của trẻ có thể giúp kiểm soát các triệu chứng chàm. Hãy nhớ rằng con bạn có thể tiếp xúc với những thực phẩm này nếu mẹ ăn chúng trước khi cho con bú.

6.Điều trị tại nhà

+ Chất dưỡng ẩm.  Kem giữ ẩm có thành phần Ceramides là lựa chọn tốt nhất. Kem dưỡng ẩm tốt, không có mùi thơm sử dụng nhiều lần mỗi ngày sẽ giúp da bé giữ được độ ẩm tự nhiên. Bôi ngay sau khi tắm.

+ Tắm nước ấm.  Điều này làm ẩm và làm mát da. Nó cũng có thể làm dịu ngứa. Đảm bảo nước không quá nóng! Thời gian tắm không quá 10 phút.

+ Sử dụng các loại sữa tắm dịu nhẹ, có tính giữ ẩm, không mùi hương.  Xà phòng thơm, khử mùi và kháng khuẩn có thể gây khó chịu cho làn da nhạy cảm của trẻ, ngay cả với xà phòng giặt đồ, nước xả vải.

+ Tắm rửa nhẹ nhàng.  Chỉ sử dụng xà phòng ở những nơi bé có thể bị bẩn, chẳng hạn như bộ phận sinh dục, bàn tay và bàn chân. Chỉ cần rửa sạch phần còn lại của cơ thể con bạn.

+ Làm khô: hãy thấm nhẹ nhàng cho da khô. Đừng chà xát.

+ Quần áo rộng rãi thoải mái.

Để tránh kích ứng của quần áo cọ xát vào da, con bạn nên mặc quần áo rộng rãi bằng chất liệu cotton.

Luôn giặt quần áo mới trước khi mặc cho bé. Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ, không có mùi thơm.

Để giữ cho đứa trẻ của bạn thoải mái, đừng mặc quần áo quá chặt hoặc ủ bé quá kỹ. Nếu bé nóng và đổ mồ hôi, điều đó có thể làm bùng phát bệnh chàm.

7. Khi con bị ngứa, bạn nên làm gì?

Cố gắng giữ cho bé không gãi vào vùng da ngứa . Gãi có thể khiến tình trạng phát ban nặng hơn, dẫn đến nhiễm trùng và khiến vùng da bị kích ứng trở nên dày hơn.

Cắt móng tay thường xuyên, sau đó dùng dũa cắt bỏ phần rìa móng nếu bạn có thể, ba mẹ cũng có thể mang bao tay cho con.

Các loại thuốc

Một số sản phẩm không kê đơn, chẳng hạn như  kem và thuốc mỡ hydrocortisone , có thể giúp giảm ngứa và giảm viêm. Kiểm tra hướng dẫn và không sử dụng chúng quá lâu, để tránh tình trạng mỏng da vùng bôi thuốc.

8. Khi nào nên cho con đi khám?

Gọi ngay cho bác sĩ nếu bệnh chàm của con bạn không thuyên giảm trong vòng một tuần kể từ khi bắt đầu bôi kem hydrocortisone.

Ngoài ra, nếu trên da xuất hiện những mảng vảy màu vàng hoặc nâu nhạt hoặc mụn nước có mủ xuất hiện thì bạn nên liên hệ với Bác sĩ vì đây có thể là dấu hiệu của  nhiễm trùng do vi khuẩn, cần thuốc kê toa của Bác sĩ

Bạn cũng nhớ nên tránh cho con tiếp xúc với những người đang bị Herpes.